Hoa đất
![]() |
Tuyên bố đầy sáo rỗng của cái gọi là 15 tổ chức XHDS |
Hùa theo các luận điệu xuyên tạc, phá hoại đại hội lần thứ 12 của Đảng, hàng loạt thư ngỏ, kiến nghị… xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều. Gần đây nhất trên trang RFA xuất hiện cái gọi là Tuyên bố của 15 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam. Vậy thực sự bản chất của nó là gì?
Trước hết, nhìn vào danh sách 15 tổ chức kí tên gồm:
01- Bạch Đằng Giang Foundation. Đại diện: Thạc sĩ Phạm Bá Hải
02- Ban Đại diện Khối Nhơn sanh Đạo Cao Đài. Đại diện: Các chánh trị sự HứaPhi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng
03- Cộng hòa Thời báo (Úc châu). Đại diện: Ông Nguyễn Quang Duy.
04- Đảng Dân chủ Nhân dân VN. Đại diện: Bác sĩ Lê Nguyên Sang
05- Đảng Việt Tân. Đại diện: Giáo sư Phạm Minh Hoàng
06- Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ. Đại diện: Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa.
07- Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Đại diện: Tổng thư ký Lê Quang Hiển.
08- Hội Anh em Dân chủ. Đại diện: Kỹ sư Phạm Văn Trội và Mục sư Nguyễn Trung Tôn.
09- Hội Cựu tù nhân Lương tâm. Đại diện: Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Linh mục Phan Văn Lợi
10- Hội Phụ nữ Nhân quyền VN. Đại diện: Bà Trần Thị Nga
11- Khối Tự do Dân chủ 8406. Đại diện: Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
12- Người Bảo vệ Nhân quyền. Đại diện: Ông Vũ Quốc Ngữ
13- Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền. Đại diện: Linh mục Nguyễn Hữu Giải.
14- Sài Gòn báo. Đại diện: Linh mục Lê Ngọc Thanh
15- Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất. Đại diện: Hòa thượng Thích Không Tánh.
Nhìn vào danh sách này, có thể khẳng định rằng, đây không phải là các tổ chức xã hội dân sự độc lập như các đối tượng tuyên bố. Tổ chức xã hội dân sự với bản chất thực sự của nó là lực lượng cùng góp phần với Nhà nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng của bộ máy nhà nước, là lực lượng khỏa lấp những khiếm khuyết của thị trường… nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Tuy nhiên, nhìn vào những mớ hỗn độn như: Khối Tự do Dân chủ 8406; Hội Phụ nữ Nhân quyền VN; Hội Cựu tù nhân Lương tâm; Đảng Việt Tân… có thể nhận thấy đây chỉ là những tổ chức núp bóng xã hội dân sự để từng bước hình thành tổ chức chính trị đối lập nhằm chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam.
Bản chất của các tổ chức trên đều là tập hợp của các phần tử chống đối, chống phá chính quyền. Có những kẻ đã từng vào tù ra tội nay ngang nhiên lên tiếng góp mặt trong bản danh sách, như: Phan Văn Lợi, Phạm Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Nghĩa… Những tổ chức này giúp ích cho xã hội phát triển thì ít mà tiến hành các hoạt động gây rối an ninh trật tự, chống phá chính quyền thì nhiều. Thậm chí có người còn không ngần ngại nói thẳng các tổ chức này chính là các tổ chức phản động, được lập ra dưới cái mác tổ chức xã hội dân sự để dễ bề lừa bịp nhân dân tin theo, tiến tới thực hiện các mưu đồ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Việt Tân là ví dụ điển hình cho lập luận trên. Do vậy, chúng không đủ tư cách để đại diện cho những tiếng nói chân chính của người dân Việt Nam.
Kế tiếp, hãy nhìn vào nội dung của những tuyên bố chúng ta có thể thấy bản chất thực sự của những kẻ đội lốt xã hội dân sự. Bản tuyên bố đưa ra nhận định cho rằng đại hội đảng chỉ là sinh hoạt riêng của đảng cộng sản; thế nhưng ở những quốc gia cộng sản như ở Việt Nam thì hoạt động này lại được xem như của cả nước. Đại hội ngoài việc bầu ra người đứng đầu đảng lại chọn ra ba chức vụ điều hành đất nước là thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Điều này bị cho là đi ngược lại xu hướng dân chủ của nhân loại.
Đáng buồn cười cho những lập luận theo kiểu "mò mẫm" của chúng. Đại hội Đảng được xem là đợt sinh hoạt chính trị của nhân dân cả nước, nghĩa là quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và coi trọng. Rõ ràng, đại hội Đảng là công việc nội bộ của Đảng nhưng nó có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả một quá trình. Từ khâu đại hội cơ sở, tiếp xúc lấy ý kiến nhân dân, thông tin tuyên truyền về đại hội… tất cả đều thể hiện nền dân chủ XHCN đang bao trùm đời sống chính trị xã hội của đất nước.
Đại hội không bầu ra thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội như chúng rêu rao mà chỉ lựa chọn, phân công những người có đủ khả năng đảm nhận những cương vị trên theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện. Còn quyền phê chuẩn các chức vụ này phụ thuộc vào quốc hội, nơi mà người dân bầu ra đại biểu đại diện cho quyền lợi của mình. Như vậy, không có gì là mất dân chủ.
Vì vậy, cái gọi là tuyên bố của 15 tổ chức xã hội dân sự độc lập Việt Nam chẳng có giá trị về mặt pháp lý và ý nghĩa chính trị. Đây chỉ là chiêu trò chống phá của những kẻ núp bóng xã hội dân sự mà thôi.